+++Diễn Đàn Tập Thể Lớp A2+++

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
+++Diễn Đàn Tập Thể Lớp A2+++

Tập Thể Lớp A2


    Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm

    traunuochamchoi
    traunuochamchoi
    QUẢN TRỊ VIÊN
    QUẢN TRỊ VIÊN


    Tổng số bài gửi : 76
    Age : 33
    Registration date : 12/05/2007

    Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm Empty Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm

    Bài gửi by traunuochamchoi 05/06/08, 11:57 am

    hóa học
    1. Đặc điểm chung của đề thi trắc nghiệm môn hóa học cũng như các môn khác là phạm vi nội dung thi rất rộng. Đối với những nội dung cụ thể, để làm bài trắc nghiệm phải nắm vững và vận dụng lý thuyết về cấu tạo nguyên tử, liên kết hóa học, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, sự điện ly, phản ứng oxi hóa - khử, tốc độ phản ứng, cân bằng hóa học, đại cương về hóa học hữu cơ...

    2. Mức độ yêu cầu về kiến thức, kỹ năng cần đạt được trong đề thi trắc nghiệm môn hóa học:

    a) Về lý thuyết:

    - Biết hoặc hiểu được những kiến thức chung về lý thuyết hóa học;

    - Biết hoặc hiểu được tính chất hóa học cơ bản của các chất vô cơ và các chất hữu cơ trình bày trong chương trình.

    - Biết một số ứng dụng, phương pháp điều chế một số chất cụ thể.

    Ví dụ: Các kim loại kiềm, kiềm thổ và nhôm đều có tính chất hóa học cơ bản chung là:

    A: Tính khử yếu. B. Tính oxi hóa yếu.

    C. Tính oxi hóa mạnh. D. Tính khử mạnh.

    b) Về thực hành hóa học:

    - Biết hiện tượng quan sát được của một số phản ứng hóa học đặc trưng đã có trong bài học và bài thực hành hóa học lớp 12.

    - Phân biệt các chất bằng phương pháp hóa học.

    Ví dụ 1: Dung dịch các chất có pH nhỏ hơn 7 là

    A. NaCl. B. Na2CO3

    C. CH3COONa. D. AlCl3

    Ví dụ 2: Trường hợp nào sau đây có phản ứng tạo thành chất rắn màu xanh?

    A. Cho dung dịch NaOH vào ống nghiệm đựng dung dịch NaHCO3

    B. Cho đinh Fe vào ống nghiệm đựng dung dịch CuSO4

    C. Cho dung dịch KOH vào ống nghiệm đựng dung dịch CuCl2

    D. Cho dung dịch HNO3 vào ống nghiệm đựng CuO.

    c) Về bài tập hóa học:

    Trong đề thi, các bài tập hóa học được ra dưới dạng câu trắc nghiệm có nội dung tính toán không quá phức tạp, có thể giải nhanh, gọn để chọn phương án đúng.

    Ví dụ: Giả sử cho 7,8 gam kali kim loại vào 192,4 gam nước, thu được m gam dung dịch và một lượng khí thoát ra. Giá trị của m là (cho H = 1, O = 16, K = 39)

    A. 203,6. B. 200,2. C. 198. D. 200

    3) Để tìm được nhanh và chính xác phương án đúng trong câu trắc nghiệm môn hóa học, thí sinh cần:

    a) Nhớ các khái niệm, tính chất, vận dụng vào từng trường hợp cụ thể để ra quyết định chọn phương án đúng. Đọc thật kỹ, không bỏ sót phần nào của phần dẫn để có thể nắm thật chắc nội dung mà đề thi yêu cầu chúng ta trả lời. Đặc biệt chú ý tới các từ có ý phủ định trong phần dẫn như "không", "không đúng", "sai"...

    Ví dụ: Dung dịch chất nào sau đây không làm quỳ tím hóa đỏ?

    A. C2H2OH. B. CH3COOH

    C. HCl. D. HCOOH

    Nhận xét: Dung dịch làm quỳ tím hóa đỏ có trong môi trường axit. Dung dịch không làm quỳ tím hóa đỏ phải là dung dịch có trong môi trường kiềm hoặc trung tính. Đọc nhanh các phương án thấy ngay B,C,D đều là axit, chỉ có ancol etylic không làm quỳ tím hóa đỏ. Vậy phương án cần chọn là A.

    b) Nếu đã gặp ngay một phương án cho là đúng thì vẫn phải đọc lướt qua các phương án còn lại.

    Ví dụ: Ở điều kiện thích hợp, chất nào sau đây có phản ứng với dung dịch NaOH và cả với dung dịch HCl?

    A. Axit aminoaxetic.

    B. Ancol etylic

    C. Axit axetic.

    D. Anilin

    Nhận xét: Có thể thấy ngay A là đúng, nhưng vẫn cần phải đọc lướt qua để khẳng định các phương án sai B, C, D.

    c) Cần tính toán nhanh trên giấy nháp để chọn phương án đúng.

    Ví dụ: Cho 0,64 gam Cu phản ứng hoàn toàn với dung dịch HNO3 đặc dư. Thể tích khí NO2 (ở đktc) thu được sau phản ứng là:

    A. 44,8ml. B. 448ml.

    C.22,4ml. D. 224ml.

    Nhận xét: khi gặp những câu trắc nghiệm có số liệu bằng số, sau khi đọc câu dẫn (bài toán), cần tính toán ngay trên giấy nháp rồi so sánh để chọn phương án đúng.

    Viết phương trình hóa học:

    Cu + 4HNO3 đặc —> Cu (NO3)2 + 2 NO2 + 2H2O

    1mol 0,01 mol 2 mol 0,02 mol

    Thể tích khí NO2 đktc: 0,02x22,4 = 0,448 (lít) = 448 ml.

    So sánh với các phương án trả lời ta thấy B là phương án đúng.

    Với loại bài này nếu chỉ suy nghĩ mà không giải trên giấy nháp thì sẽ mất thời gian và rất dễ nhầm do chưa cân bằng phương trình hóa học hoặc cân bằng sai, nhầm đơn vị, nhầm số mol.

    d) Cần vận dụng kiến thức đã biết, suy đoán nhanh để chọn phương án đúng.

    Ví dụ: Dung dịch chất có pH nhỏ hơn 7 là:

    A. NaCl. B. Na2CO3.

    C. CH3COONa. D. AlCl3

    Dung dịch có pH nhỏ hơn 7 phải là dung dịch có môi trường axit. Nhận xét từng trường hợp.

    - NaCl là muối của axit mạnh và bazơ mạnh: môi trường trung tính.

    - Na2CO3 là muối của axit yếu và bazơ yếu: môi trường kiềm.

    - CH3COONa là muối của axit yếu và bazơ mạnh: môi trường kiềm.

    - AlCl3 là muối của axit mạnh và bazơ yếu: môi trường axit.

    Kết luận: chọn D là phương án đúng.

    Chú ý: Nếu không nhớ được qui luật trên thì có thể viết phương trình phản ứng thủy phân của ba muối và kết luận chọn D là phương án đúng.
    traunuochamchoi
    traunuochamchoi
    QUẢN TRỊ VIÊN
    QUẢN TRỊ VIÊN


    Tổng số bài gửi : 76
    Age : 33
    Registration date : 12/05/2007

    Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm Empty Re: Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm

    Bài gửi by traunuochamchoi 05/06/08, 12:05 pm

    VẬT LÍ

    I. Học bài mới

    1. Phần lý thuyết:

    - Các định nghĩa, khái niệm, định luật: cần cố gắng hiểu rõ và nhớ chính xác từng ý nghĩa của các mệnh đề được phát biểu.

    - Các công thức: cần hiểu rõ ý nghĩa, đơn vị của từng đại lượng.

    - Tập thói quen tự làm dàn bài tóm tắt bài học theo ý mình sau khi vừa học xong để sao cho khi học theo dàn bài, ta dễ dàng hiểu và nhớ chính xác bài học.

    2. Phần bài tập:

    - Làm đầy đủ bài tập (từ dễ đến khó) trong sách giáo khoa và sách bài tập vật lý 12 do Bộ GD-ĐT phát hành. Với hầu hết bài trong các bài tập này, HS sẽ làm được không khó khăn lắm nếu học kỹ phần lý thuyết.

    - Ở từng chương trong sách bài tập thường có một hay hai bài tập mức độ khó, cần cố gắng làm những bài tập này sau khi làm các bài tập dễ và trung bình.
    II. Ôn tập

    - Cần tự làm dàn bài tóm tắt từng chương. Việc làm này nhiều HS tưởng rằng mất thời gian, nhưng thật ra rất tiết kiệm thời gian và rất hiệu quả để nhớ lâu và nắm vững phần lý thuyết (vì chỉ tốn thời gian lần đầu để hệ thống từng chương, những lần sau khi ôn tập rất dễ nhớ lại kiến thức của cả chương).

    - Làm lại các bài tập cơ bản trong sách giáo khoa và sách bài tập để nhớ sâu phần lý thuyết và tăng cường kỹ năng nhanh, nhạy trong việc làm các câu hỏi trắc nghiệm định lượng. Cố gắng giải những bài tập mà lần đầu tiên chưa giải được.

    Lưu ý thêm:
    * Đề thi môn vật lý lúc nào cũng có đủ hai phần định tính và định lượng, HS cần coi trọng cả hai phần lý thuyết và bài tập, đặc biệt không học qua loa phần lý thuyết vì có nắm vững lý thuyết nhuần nhuyễn mới giải quyết tốt các câu hỏi trắc nghiệm định tính và định lượng. Do đó đừng học lý thuyết bằng cách nhồi nhét mà cần phải hiểu thật rõ ý nghĩa để biết phân tích, suy luận khi làm các câu hỏi trắc nghiệm.

    * Đề thi trắc nghiệm gồm 50 câu rải đều trong cả chương trình nên không được học tủ, không được bỏ bài học nào.

    * Không nên tập trung làm những bài tập quá dài và khó, đòi hỏi nhiều thời gian vì những bài như vậy không phù hợp với lối thi trắc nghiệm (do thời gian không cho phép). Ưu tiên làm các bài tập cơ bản do giáo viên hướng dẫn tại lớp, trong sách giáo khoa và sách bài tập do Bộ GD-ĐT ban hành, sau khi thuần thục mới làm thêm các bài tập phù hợp và giải thử các đề trắc nghiệm để rèn luyện kỹ năng.

    III. Các vấn đề cần lưu ý khi làm bài thi trắc nghiệm môn vật lý

    - Đọc lần lượt từ trên xuống dưới, câu nào chắc chắn giải được trong thời gian ngắn thì làm ngay và tô ngay phương án lựa chọn vào phiếu trả lời.

    - Lần thứ nhì tiếp tục giải những câu khó hơn và cứ tiếp tục đến khi hết thời gian.

    Lưu ý thêm:

    * Đợt làm đầu tiên không nên "sa lầy" vào những câu làm mất quá nhiều thời gian, vì câu nào cũng có điểm như nhau, không phân biệt câu dễ hay khó. Mặt khác, nếu số câu hỏi còn nhiều mà thời gian làm bài còn ít sẽ mất bình tĩnh dẫn đến làm sai nhiều.

    * Khi thời gian làm bài thi gần hết mà còn một số câu chưa giải quyết xong, nên chọn nhanh phương án trả lời cho tất cả câu này, không bỏ sót câu nào.

    ~***~CÁCH LÀM TRẮC NGHIỆM~***~

    Câu trắc nghiệm lý thuyết là loại câu không yêu cầu thí sinh tính toán mà chỉ cần nắm chắc lý thuyết, và biết vận dụng nó vào trường hợp cụ thể để chọn phương án trả lời.

    Ví dụ: Trong một đoạn mạch không phân nhánh, nếu dòng điện trễ pha đối với hiệu điện thế giữa hai đầu đoạn mạch thì trong đoạn mạch đó:

    A. không có cuộn cảm

    B. không có tụ điện

    C. có điện trở thuần và cuộn cảm nối tiếp.

    D. cảm kháng lớn hơn dung kháng.

    Học sinh nắm vững tính chất của đoạn mạch RTC nối tiếp sẽ tìm thấy phương án A không thỏa mãn vì trong đoạn mạch này dòng điện cùng pha hoặc sớm pha đối với hiệu điện thế. Trong các đoạn mạch nêu ở phương án B và C, dòng điện có thể trễ pha đối với hiệu điện thế nhưng chúng chỉ là các trường hợp riêng, không thể khẳng định chắc chắn trường hợp riêng này sẽ xảy ra. Phương án cần chọn là D.

    Câu trắc nghiệm bài tập là loại yêu cầu thí sinh phải vận dụng công thức hoặc lập phương trình để tính toán chọn đáp số cần tìm. Khác với toán trong câu tự luận, bài toán trong câu trắc nghiệm thường không dẫn đến hệ phương trình phức tạp, mà chỉ một hoặc vài ba phép tính là có thể tìm được đáp số hoặc khẳng định được đáp số là sai hay đúng.

    Ví dụ: Một vật sáng nhỏ đặt vuông góc với trục chính của một thấu kính mỏng, cho ảnh ảo bằng 3 lần vật và cách vật 20 cm. Tiêu cự thấu kính là:

    A. -15cm. B. 10cm. C. 15cm. D. 30cm.

    Học sinh có thể nhận xét ảnh lớn hơn vật nên thấu kính phải là thấu kính hội tụ, tiêu cự có giá trị dương, do đó loại được phương án A, nhưng ba phương án còn lại đều là đáp số dương nên phải áp dụng công thức thấu kính để chọn đáp số đúng. Để tìm tiêu cự thấu kính ta cần tính d và d từ các phương trình: k = -d/d = 3; -d – d = 20cm. Sau đó tính được d = 10cm; d = -30cm, thay vào phương trình: 1/f = 1/d + 1/d sẽ tìm được f = 15cm. Ta chọn phương án C.

    Trong các đề thi tốt nghiệp và tuyển sinh, số câu trắc nghiệm bài tập thường nhiều hơn số câu trắc nghiệm lý thuyết.

    Mỗi loại câu trắc nghiệm đều có thể có mức độ khó dễ khác nhau: nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Với các câu hỏi ở mức nhận biết, học sinh chỉ cần nhận ra một công thức, một định nghĩa, một định luật hoặc chỉ thay số liệu đơn giản là đã tìm được phương án trả lời. Tuy nhiên vẫn có một số học sinh không được điểm khi làm loại câu này do không nắm vững lý thuyết hoặc chủ quan không đọc kỹ câu hỏi. Các câu hỏi trắc nghiệm thường rải ra nhiều phần khác nhau của chương trình, không có trọng tâm, trọng điểm. Do vậy nếu học tủ và không rèn luyện để có một trí nhớ tốt, học sinh sẽ bị mất điểm ngay ở một số câu dễ.

    Đối với câu trắc nghiệm ở mức độ thông hiểu, học sinh muốn chọn phương án đúng phải nắm được ý nghĩa của khái niệm hoặc sự kiện hiện tượng để suy luận, hoặc chuyển dịch nó từ mức độ trừu tượng này sang mức độ trừu tượng khác. Để làm được câu này, học sinh không chỉ nhớ và thuộc lòng máy móc mà cần có thói quen nhận xét sự vật, hiện tượng ở các trường hợp khác nhau.

    Ví dụ: khi học công thức thấu kính: 1/f = 1/d + 1/d cần tự biến đổi để làm quen với công thức đó ở các dạng khác nhau như: d = df/ d-f; d = df/ d-f; f = dd/ d+d và các trường hợp đặc biệt: khi d = ∞ thì d = f; khi d = f thì d = ∞; khi d = 0 thì d = 0. Như vậy học sinh sẽ không ngỡ ngàng mà nhận ra ngay công thức này dù nó không được viết tường minh như ở sách giáo khoa.

    Đối với câu trắc nghiệm ở mức độ vận dụng, học sinh muốn trả lời đúng phải nắm được bản chất sự vật hiện tượng và thường xuyên có thói quen áp dụng nó vào các trường hợp cụ thể, qua đó nắm được phương pháp vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học được. Vấn đề đặt ra trong câu trắc nghiệm ở mức vận dụng có thể là tình huống mới hoặc nhiệm vụ mới. Học sinh cần bình tĩnh, đọc kỹ câu hỏi để khai thác giả thiết cho ở phần dẫn của câu trắc nghiệm để suy ra các kết quả, rồi từ đó phát hiện mối liên hệ giữa giả thiết và kết luận.

    Vật lý là môn khoa học thực nghiệm nên nhiều câu trắc nghiệm vật lý liên quan đến vấn đề nảy sinh trong thực nghiệm hoặc trong thực tế. Sẽ rất có lợi nếu hằng ngày học sinh có thói quen vận dụng kiến thức đã học vào đời sống. Ví dụ khi học về gương cầu, hãy quan sát ảnh qua gương lắp ở xe máy, xem ảnh ở gương này khác nhau thế nào khi vật ở xa, khi vật ở gần, từ đó nhận xét về tính chất ảnh và điều kiện tương điểm đối với gương cầu.

    Khi học về thấu kính, hãy thử tìm cách ước lượng xem tiêu cự của kính đeo mắt mà em có hoặc người thân của em có là bao nhiêu. Những thói quen đó giúp học sinh dần dần nâng cao khả năng vận dụng kiến thức, giúp đạt điểm cao khi làm loại câu ở mức vận dụng.



    Shocked Sad Very Happy Evil or Very Mad Crying or Very sad No alien santa bounce clown
    traunuochamchoi
    traunuochamchoi
    QUẢN TRỊ VIÊN
    QUẢN TRỊ VIÊN


    Tổng số bài gửi : 76
    Age : 33
    Registration date : 12/05/2007

    Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm Empty Re: Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm

    Bài gửi by traunuochamchoi 05/06/08, 12:40 pm

    ***SINH HỌC***

    1. Cách học:

    a) Liệt kê trong mỗi bài học các khái niệm; không nhất thiết phải thuộc lòng, nhưng phải hiểu bản chất của khái niệm, phân biệt được khái niệm đó trong hệ thống các khái niệm đã biết.
    b) Tìm trong bài học những kiến thức về quá trình, qui luật sinh học; phân biệt các quá trình, qui luật sinh học đó với những quá trình, qui luật sinh học khác trong hệ thống kiến thức của chương trình; không cần học thuộc từng câu chữ, nhưng phải ghi nhớ những nội dung cơ bản.

    c) Tìm trong bài học những kiến thức liên quan đến thực tiễn đời sống; cách vận dụng các kiến thức đó trong thực tiễn; tìm thêm các ví dụ tương tự.

    d) Khi ôn tập có thể hệ thống hóa kiến thức bằng cách lập sơ đồ khái niệm, lập bảng so sánh. Ví dụ khi học và ôn tập bài "đột biến gen":

    Liệt kê các khái niệm: đột biến, thể đột biến; các dạng đột biến gen: mất, thêm, thay thế, đảo vị trí một cặp nuclêôtit (Nu); đột biến giao tử; đột biến xooma; đột biến tiền phôi; thể khảm; đột biến trội; đột biến lặn...

    Cơ chế phát sinh đột biến gen: phân biệt với cơ chế nhân đôi ADN, cơ chế đột biến nhiễm sắc thể; các tác nhân gây đột biến có bản chất vật lý, hóa học, sinh học.

    Kiến thức thực tiễn: đột biến gen gây chết ở lợn, thể đột biến bạch tạng ở cây lúa, bệnh hồng cầu hình liềm ở người, bệnh máu khó đông ở người...

    Và hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ phân loại các dạng đột biến.

    e) Một số phương pháp học phù hợp với hình thức thi trắc nghiệm là thường xuyên tự đặt các câu hỏi về các nội dung từng chủ đề đã học, rồi tự tìm câu trả lời cho các câu hỏi đó; vận dụng các kiến thức đã học để giải thích các hiện tượng sinh học thường gặp trong đời sống hằng ngày, hoặc từ thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng... Khi ôn luyện bài trắc nghiệm, không chỉ đơn thuần chọn phương án đúng mà đồng thời chọn giải thích tại sao các phương án còn lại không đúng. Những cách học này giúp hiểu và nhớ kiến thức lâu dài, sâu sắc.

    2. Cách trả lời câu trắc nghiệm:

    a) Đối với câu hỏi ở mức biết

    Loại câu hỏi này thường được dùng để kiểm tra khả năng nhận ra và nắm bắt của thí sinh về một khái niệm, hiện tượng, qui luật hoặc quá trình cơ bản nào đó. Những câu hỏi này thường ngắn, đơn giản và thường thì phần lớn thí sinh ở mức trung bình, khá trở lên chỉ cần 15 giây đến 1 phút để trả lời mỗi câu hỏi.

    Ví dụ: Trong tế bào sinh vật nhân thực, bào quan nào sau đây không chứa ADN?

    A. Nhân tế bào. B. Ti thể.

    C. Lạp thể. D. Mạng lưới nội chất.

    Trả lời: D

    b) Đối với câu hỏi ở mức hiểu

    Loại câu hỏi này thường được dùng để kiểm tra thí sinh về việc hiểu bản chất một khái niệm, hiện tượng, qui luật hoặc quá trình nào đó. Các câu hỏi thuộc nhóm này thường phức tạp hơn, có thể ở dạng so sánh, đối chiếu, suy luận ở dạng đơn giản; các phương án sai có mức độ gây nhiễu cao hơn. Với các câu hỏi thuộc nhóm này, thí sinh trung bình, khá trở lên thường cần 30 giây đến 2 phút để trả lời.

    Ví dụ: Các sự kiện diễn ra của nhiễm sắc thể trong giảm phân khác biệt với nguyên nhân là:

    A.Sự tạo thành bốn tế bào con có bộ nhiễm sắc thể giảm đi

    một nửa.

    B. Chỉ có một lần phân bào và chỉ có một lần nhân đôi của nhiễm sắc thể.

    C. Sự phân li đồng đều của các nhiễm sắc thể kép trong cặp nhiễm sắc thể tương đồng.

    D. Sự tiếp hợp và trao đổi chéo của các nhiễm sắc thể không tương đồng.

    Trả lời: A

    c) Đối với câu hỏi vận dụng

    Loại câu hỏi này thường kiểm tra về khả năng tổng hợp, so sánh, suy luận và vận dụng các khái niệm, các quá trình và qui luật sinh học. Các câu hỏi thuộc nhóm này thường ở dạng các bài tập tình huống, hoặc các dạng câu hỏi kiểu so sánh, đối chiếu, cần sự nắm vững kiến thức của thí sinh; phương án sai có mức độ gây nhiễu cao. Sự phân hóa thí sinh ở mức độ khá, giỏi chủ yếu phụ thuộc vào những câu hỏi này. Với những câu hỏi này, thường thì các học sinh khá, giỏi cần 2-5 phút hoặc nhiều hơn để trả lời.Đây là câu hỏi đánh giá ba mức "biết", "hiểu" và "vận dụng" những kiến thức lý thuyết cơ bản của sinh học: hệ thống các khái niệm, quá trình, nguyên lý, qui luật...

    Ví dụ 1: Thể đột biến là:

    A. trạng thái cơ thể của cá thể bị biến đổi.

    B. những biểu hiện ra kiểu hình của tế bào bị đột biến.

    C. cá thể mang đột biến đã biểu hiện trên kiểu hình cơ thể.

    D. cơ thể mang đột biến.

    Ví dụ 2: Trong những dạng biến đổi vật chất di truyền: chuyên đoạn NST (I); mất cặp nuclêôtit (II); tiếp hợp và trao đổi chéo trong giảm phân (III); thay cặp nuclêôtit (IV); đảo đoạn NST (V); thêm cặp nuclêôtit (VI); mất đoạn NST (VII), dạng đột biến gen là:

    A. I, III, V, VII.

    B. II, IV, VI.

    C. II, III, IV, VI.

    D. I, V, VII.

    Nhận xét: Ở ví dụ 1 chỉ cần nhớ thể đột biến là lựa chọn đúng phương án trả lời (phương án C); ví dụ 2 đọc thì thấy rất phức tạp, trên thực tế cần hiểu đột biến gen chỉ liên quan tới nuclêôtit nên ta chọn tổ hợp nào có nuclêôtit là được (phương án B).

    e) Câu hỏi về bài tập

    Các câu trắc nghiệm môn sinh học có nội dung tính toán là những bài toán ngắn, có thể phân tích hoặc giải nhanh, gọn trước khi so sánh để chọn phương án đúng.

    Ví dụ 1: Ở ruồi giấm, tính trạng cánh cong là do đột biến gen trội (Cy) nằm trên NST số 2 gây nên. Ruồi đực dị hợp tử về kiểu gen nói trên (Cy Cy+) được chiếu tia phóng xạ và cho lai với ruồi cái bình thường (Cy+). Sau đó người ta cho từng con ruồi đực F1

    (Cy Cy+) lai với từng ruồi cái bình thường. Kết quả của một trong số phép lai như vậy có tỉ lệ kiểu hình như sau:

    - Đực cánh cong: 146 con

    - Đực cánh bình thường: 0 con

    - Cái cánh cong: 0 con

    - Cái cánh bình thường: 143 con

    Kết quả trên được giải thích là:

    A. ruồi đực cánh bình thường và ruồi cái cánh cong bị chết.

    B. gen Cy chuyển từ NST số 2 sang NST giới tính X.

    C. gen Cy chuyển từ NST số 2 sang NST giới tính Y.

    D. không có cách giải thích nào ở trên là đúng.

    Nhận xét: Phương án A là phương án nhiễu, thí sinh chọn phương án này vì lầm tưởng chiếu xạ làm ruồi đực cánh bình thường và ruồi cái cánh cong bị chết. Thí sinh chọn phương án B có lưu ý tới phóng xạ nhưng lầm tưởng ở ruồi giấm NST Y không mang gen. Trường hợp thí sinh chọn phương án D thường là không hiểu bản chất mà chọn ngẫu nhiên.

    Vậy với câu trắc nghiệm trên, phải đọc kỹ phần dẫn, chú ý tới các dữ kiện: "gen trội (Cy) nằm trên NST số 2", "(Cy Cy+) được chiếu tia phóng xạ, chọn phương án C.

    Ví dụ 2: Ở một loài thực vật, alen A qui định than cao là trội hoàn toàn so với alen a qui định than thấp. Cho cây có kiểu gen Aaaa giao phấn với cây có kiểu gen AAaa, kết quả phân tích đời lai theo lý thuyết là:

    A. 35 đỏ: 1 vàng

    B. 11 đỏ: 1 vàng

    C. 27 đỏ: 9 vàng

    D. 3 đỏ: 1 vàng

    Ví dụ: Trong điều kiện nghiệm đúng của định luật Hacđi - Vanbec, quần thể có thành phần kiểu gen không thay đổi cấu trúc di truyền khi thực hiện ngẫu phối là:

    A. 0,2 AA: 0,6 Aa: 0,2 aa

    B. 0,09AA: 0,55Aa: 0,36aa

    C. 0,04AA: 0,32Aa: 0,64aa

    D. 0,36AA: 0,38Aa: 0,36aa

    Nhận xét: quần thể có thành phần kiểu gen không thay đổi cấu trúc di truyền khi thực hiện ngẫu phối là quần thể đã cân bằng. Vậy thực chất là tìm xem quần thể nào trong các quần thể đã cho đã cân bằng (p2AA + 2pqAa + q2aa = 1). Nếu thí sinh không chú ý tới từ "không" thì sẽ chọn sai.

    b) Đọc nhanh để chọn phương án đúng và loại bỏ phương án sai.

    Ví dụ: Người đầu tiên đưa ra khái niệm về biến dị cá thể là:

    A. Đacuyn. B. Menđen. C.Lamac. D. Kimura

    Trên cơ sở những kiến thức đã được tích lũy, thí sinh có thể nhận thấy ngay A là đúng, tuy nhiên cần đọc lướt qua các phương án B, C, D để khẳng định phương án đúng và tô vào phiếu trả lời trắc nghiệm.

    c) Cần tính toán trên giấy nháp nhanh để chọn phương án đúng.

    Khi gặp những câu trắc nghiệm có số liệu, cần tính toán ngay trên giấy nháp, so sánh với các phương án để chọn phương án đúng.

    Ví dụ: Ở người, bệnh máu khó đông do đột biến gen lặn trên nhiễm sắc thể giới tính X gây nên. Người phụ nữ bình thường nhưng mang gen gây bệnh, kết hôn với người đàn ông bình thường thì xác suất sinh con đầu lòng bị bệnh là:

    A. 0%. B. 25%. C. 50%. D. 75%.

    Nhận xét: nên viết ngay trên giấy nháp sơ đồ lai mẹ XMXm x bố XMY. Nhận thấy người con bệnh phải là con trai vì là kết quả của sự tổ hợp giữa trứng Xm (50%) và tinh trùng Y (50%) nên xác suất là 25%.

    Đối chiếu với các phương án sẽ chọn được B là phương án đúng.

    d) Có thể dùng phương pháp loại trừ để chọn phương án đúng.

    Đối với một số câu hỏi, thí sinh có thể chưa biết phương án trả lời chắc chắn ngay sau khi đọc phần dẫn. Nhưng bằng cách loại trừ dần các phương án sai, thí sinh có thể tìm được phương án đúng.

    Ví dụ: Khi tiến hành lai giữa hai cơ thể thuần chủng khác nhau về một cặp tính trạng tương phản, rồi cho các cá thể F1 tự thụ phấn. Tỉ lệ phân ly kiểu hình ở F2 là 9:7. Đây là một ví dụ về qui luật di truyền:

    A. liên kết với giới tính

    B. phân ly độc lập

    C. tương tác bổ trợ giữa các gen

    D. trội không hoàn toàn

    Nhận xét: Những thí sinh nắm chắc kiến thức có thể trả lời ngay câu hỏi này bằng việc lựa chọn phương án C (tương tác bổ trợ giữa các gen không alen).

    Tuy vậy, nếu chưa biết chắc chắn phương án C có đúng không, thí sinh có thể tìm được câu trả lời đúng bằng cách loại suy như sau: nếu cặp tính trạng trên di truyền liên kết với giới tính, tỉ lệ phân ly kiểu hình thường khác nhau ở hai giới. Lời dẫn của câu hỏi này không cho thấy hiện tượng như vậy, nên phương án A được loại bỏ. Nếu theo qui luật phân ly độc lập, tỉ lệ kiểu hình ở F2 phải là 3:1 (nếu cặp tính trạng do một cặp gen qui định), hoặc 9:3:3:1 (nếu cặp tính trạng do hai cặp gen qui định). Điều này không thỏa mãn đầu bài nên phương án B được loại bỏ. Nếu có hiện tượng alen trội không hoàn toàn, thì ở F2 số kiểu hình sẽ lớn hơn hai loại, nên phương án D được loại bỏ. Như vậy chỉ còn phương án C là phù hợp.
    traunuochamchoi
    traunuochamchoi
    QUẢN TRỊ VIÊN
    QUẢN TRỊ VIÊN


    Tổng số bài gửi : 76
    Age : 33
    Registration date : 12/05/2007

    Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm Empty Re: Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm

    Bài gửi by traunuochamchoi 05/06/08, 12:47 pm

    Để làm tốt bài thi trắc nghiệm môn tiếng Anh?

    Đây là câu hỏi khó trả lời bởi vì thí sinh có thể làm được những nội dung trong đề thi tốt nghiệp THPT và đề thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ môn tiếng Anh hay không phụ thuộc trước hết vào trình độ và khả năng của thí sinh đó.Tuy nhiên, căn cứ yêu cầu về nội dung, cấu trúc của các đề thi có thể khẳng định để làm bài tốt, thí sinh phải có đủ kiến thức về ngữ âm và âm vị học, từ vựng, ngữ pháp (cú pháp) và kỹ năng đọc hiểu.

    Dưới đây là nội dung tổng kết những kiến thức và kỹ năng được yêu cầu trong các đề thi, sau đó gợi ý cách xử lý một số mục cụ thể. Hi vọng qua những phần tổng kết và gợi ý về cách làm bài, các em có thể hiểu thêm kiến thức cần chuẩn bị cho mình trước kỳ thi để từ đó xây dựng những chiến lược học tập, trang bị kiến thức một cách hiệu quả và cách làm bài phù hợp, đạt kết quả cao.

    Như trên đã nói, một bài thi tốt nghiệp THPT và một bài thi tuyển sinh vào các trường đh, cđ đều yêu cầu thí sinh phải có đủ kiến thức về ngữ âm và âm vị, từ vựng và ngữ pháp, các kỹ năng đọc hiểu. Chi tiết sẽ được trình bày trong những mục dưới đây.

    1. Thế nào là có đủ kiến thức về ngữ âm và âm vị học tiếng Anh?

    Có đủ kiến thức về ngữ âm và âm vị học tiếng Anh bao gồm việc phát âm đúng các âm riêng lẻ, trong từ, cụm từ và câu; hiểu được rằng hệ thống âm vị học tiếng Anh bao gồm các nguyên âm đơn, nguyên âm kép, phụ âm đơn, phụ âm, tổ hợp phụ âm, các chữ viết thể hiện các âm vị đó; và quan trọng hơn phải phát âm đúng được những âm đó khi chúng đứng riêng lẻ, trong tổ hợp, trong từ, trong câu, và phải biết đánh trọng âm của các từ đa âm tiết.

    2. Thế nào là đủ kiến thức về từ vựng?

    Có đủ kiến thức về từ vựng có nghĩa là các em phải nhớ được một lượng từ vựng cần thiết, cả hình thức âm thanh, hình thức chữ viết và nghĩa cơ bản (thường là nghĩa 1 trong từ điển) đủ để hiểu bài và làm bài; phải có kiến thức cơ bản về hệ thống từ vựng tiếng Anh bao gồm các loại như danh từ, động từ, tính từ, trạng từ, giới từ, mạo từ, đại từ, liên từ, thán từ, phải hiểu được những đặc điểm cơ bản của từng loại từ này.

    2.1. Danh từ tiếng Anh

    Danh từ tiếng Anh có số ít và số nhiều (ví dụ: book - books), đếm được (ví dụ: book) và không đếm được (ví dụ: water). Danh từ tiếng Anh có cấu tạo số nhiều từ số ít theo qui tắc (ví dụ: table - tables, pen - pens), nhưng cũng có cấu tạo số nhiều từ số ít không theo qui tắc (ví dụ: child - children, man - men), có hình thức số ít nhưng lại sử dụng như số nhiều (ví dụ: people, police), hoặc hình thức số nhiều nhưng sử dụng như số ít (ví dụ: physics, mumps). Ngoài ra còn có sở hữu cách của danh từ (ví dụ: our teachers books, Alices car), và danh từ ghép (ví dụ: swimming pool, river bank)

    2.2. Động từ tiếng Anh

    Động từ tiếng Anh có năm hình thức: hình thức nguyên thể - hình thức được cho là nguyên mẫu của động từ (ví dụ: go, come, play), hình thức nguyên thể với to (ví dụ: to go, to play), hình thức quá khứ (ví dụ: walked, played) thể hiện ý nghĩa quá khứ, hình thức phân từ 2 (ví dụ: given, written) thể hiện ý nghĩa hoàn thành, và hình thức với -ing thể hiện ý nghĩa đang diễn ra.

    Động từ tiếng Anh thể hiện thời gian qua việc sử dụng các thì (tenses) bao gồm hiện tại, quá khứ và tương lai. Với hiện tại, động từ tiếng Anh có bốn thì: (1) thì hiện tại đơn chỉ hành động thường xuyên xảy ra trong hiện tại (ví dụ: I go to school everyday; She speaks English very well); (2) thì hiện tại tiếp diễn chỉ hành động xảy ra ở thời điểm nói trong hiện tại (ví dụ: We are learning English; She is singing in the next room); (3) thì hiện tại hoàn thành chỉ một hành động xảy ra trong quá khứ và còn kết quả liên quan đến hiện tại (ví dụ: Ive read this book; They have finished their homework); và (4) thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn chỉ một hành động bắt đầu từ một thời điểm nào đó trong quá khứ và đến hiện tại nó vẫn đang diễn ra (ví dụ: Weve been learning English for 6 years; Hoa has been reading the book for two hours).

    Với quá khứ, động từ tiếng Anh có bốn thì: (1) thì quá khứ đơn chỉ hành động đã xảy ra trong quá khứ (ví dụ: I often went to school early when I was young); (2) thì quá khứ tiếp diễn chỉ hành động đang diễn ra tại một thời điểm xác định trong quá khứ (ví dụ: I was reading a book when she came); (3) thì quá khứ hoàn thành chỉ hành động đã hoàn thành trước một thời điểm xác định trong quá khứ (ví dụ: I had learnt English for three year before I turned to learn Japanese); và (4) thì quá khứ hoàn thành tiếp diễn chỉ hành động bắt đầu trước một thời điểm xác định trong quá khứ kéo dài đến thời điểm quá khứ ấy (ví dụ: I had been reading this book for three hours when she came).

    Với tương lai, động từ tiếng Anh không biến hình để diễn đạt ý nghĩa này; thay vào đó nó sử dụng hai trợ động từ shall và will. Thông thường shall đi với đại từ nhân xưng ở hai ngôi I và we, will đi với các đại từ nhân xưng ở các ngôi còn lại you, she, he, it và they (tuy nhiên xu hướng hiện nay là sử dụng will cho tất cả các ngôi).

    Theo đó, ta có (1) thì tương lai đơn chỉ hành động thường xảy ra trong tương lai (ví dụ: I shall go to school early); (2) thì tương lai tiếp diễn chỉ hành động xảy ra tại một thời điểm tiếp diễn trong tương lai (ví dụ: at this time tomorrow, I shall be learning English); (3) thì tương lai hoàn thành thể hiện hành động sẽ hoàn thành trước một thời điểm xác định trong tương lai (ví dụ: They will have finished their work by this time tomorrow); và (4) thì tương lai hoàn thành tiếp diễn thể hiện hành động bắt đầu trước một thời điểm xác định trong tương lai, kéo dài đến thời điểm tương lai ấy và có thể vẫn tiếp diễn (ví dụ: We shall have been learning English for two hours when you come). Ngoài ra để diễn tả tương lai gần có kế hoạch (near future plan) ta còn sử dụng cấu trúc be going to + V (ví dụ: We are going to visit our grandparents next weekend).
    Khi đã có tương đối đầy đủ kiến thức về ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp (cú pháp) và kỹ năng đọc hiểu thì điều tối quan trọng lúc này là chiến lược làm bài. Đối với những mục hỏi về kiến thức thì các em buộc phải có kiến thức về nội dung đó.
    Đối với những mục yêu cầu kiến thức và kỹ năng thì chiến lược làm bài thi rất quan trọng. Với đọc hiểu, nhiều thí sinh không xây dựng cho mình một chiến lược trả lời có hiệu quả, cho nên khi được yêu cầu các em thường bắt đầu cắm đầu cắm cổ đọc cả đoạn văn, thậm chí có em đọc đi đọc lại cả đoạn văn ấy, khi thấy một số từ mình không biết thì tỏ ra hoảng loạn, lúng túng, và kết quả trả lời dễ bị sai.

    Lưu ý: Trong khi trả lời các em sẽ trải qua cảm giác không chắc chắn, không biết chọn phương án nào là đúng. Trong trường hợp này, công việc duy nhất có thể làm là cứ chọn theo cảm giác ban đầu. Theo kinh nghiệm, lựa chọn phương án theo cảm giác ban đầu thường cho câu trả lời đúng! Ngoài ra, đối với dạng bài thi trắc nghiệm, các em cần luyện tập khả năng phán đoán và loại trừ những phương án sai dựa vào kiến thức và sự suy diễn logic của mình. Nếu các em có thể loại trừ được ba phương án sai cho mỗi câu hỏi thì phương án còn lại xác suất đúng rất cao.

    Đối với phần chọn phương án đúng (ứng với A hoặc B, C, D) để hoàn thành mỗi câu sau như mục 6, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2007 lần 1, các em cần phải lưu ý rằng mục này kiểm tra kiến thức về câu phức và câu ghép, cho nên các em cần phải lưu ý những điểm sau đây:

    - Khi câu là câu phức hoặc ghép thì chủ ngữ có thể không xuất hiện ở mệnh đề phụ (ví dụ: when (0) walking in the rain, I saw a big frog); hoặc có thể xuất hiện ở cả hai mệnh đề (ví dụ: when I was walking in the rain, I saw a big frog).

    - Câu phức có thể là câu có mệnh đề phụ chỉ thời gian, chỉ nguyên nhân, kết quả, chỉ mục đích..., nó cũng có thể là câu có mệnh đề chỉ điều kiện và một khi chỉ điều kiện thì nó chỉ có thể là câu điều kiện loại 1, câu điều kiện loại 2 hoặc câu điều kiện loại 3, nhưng cũng có thể là sự kết hợp loại 2 và 3 (mixed type).

    Với lượng kiến thức và kỹ năng cơ bản như đã trình bày ở các mục trên, các em có thể xử lý đề thi một cách khá thoải mái. Lấy mục 6, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2007 lần 1 làm ví dụ. Các em sẽ dễ dàng chọn B là đáp án đúng cho câu 46; câu 47, đáp án A; câu 48, đáp án C; câu 49, đáp án A; và câu 50, đáp án B.

    Câu 46. — if you take a map

    A. youll get lost

    B. you wont get lost

    C. you would have got lost

    D. you would get lost

    Câu 47: It is seven year since we —

    A. last talked to Daisy

    B. talked to last Daisy

    C. last talked Daisy

    D. have talked to Daisy

    Câu 48: We would save thousands of lives if — the remedy for the flu

    A. we had not found out

    B. we find out

    C. we found

    D. we will find

    Câu 49: I wont accept unless —

    A. Tom apologized

    B. Tom to apologized

    C. when Tom apologized

    D. Tom is apologized

    Câu 50: Some planets are so small that — with naked eyes

    A. it is possible to see them

    B. they are impossible to be seen

    C. it is possible to seeing them

    D. they are possible to seeing

    Trên đây là những gợi ý của chúng tôi về cách làm thế nào để có thể xử lý thành công (thi đỗ và đạt điểm cao) các bài thi tốt nghiệp THPT và các bài thi tuyển sinh vào đại học, cao đẳng môn tiếng Anh theo hình thức câu trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Về thực chất, một bài thi trắc nghiệm như đã trình bày ở trên không kiểm tra được nhiều kiến thức và kỹ năng thực hành tiếng Anh. Làm được hoặc thậm chí đạt điểm rất cao cho những bài thi như vậy hoàn toàn chưa đảm bảo được rằng các em có thể nghe, nói, đọc và viết tốt bằng tiếng Anh.

    Sponsored content


    Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm Empty Re: Hướng dẫn học và làm bài thi trắc nghiệm

    Bài gửi by Sponsored content


      Hôm nay: 11/05/24, 04:28 am